10 loại bùa cầu may nổi tiếng của người Nhật Bản – (02/01/2018)
10 loại bùa cầu may nổi tiếng của người Nhật Bản
Trong nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản cũng như nhiều nền văn hóa của các nước Châu Á khác có quan niệm rất sâu sắc về vấn đề tâm linh và những điều may mắn. Người Nhật Bản có rất nhiều cách cầu may, họ có những linh vật riêng cho mỗi vùng miền mỗi công việc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những cách cầu may của người Nhật Bản nhé.
Nhật Bản nổi tiếng là đất nước của tâm linh. Chính vì thế mà người dân nơi đây đã tạo ra rất nhiều đồ vật mà từ tên gọi cho đến công dụng của chúng đều mang ý nghĩa mang đến những điều tốt lành.Họ gọi đó là các “Enginimono” – vật khởi duyên. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 10 loại vật khởi duyên nổi tiếng nhất tại Nhật Bản
Kado Matsu – “Cây nêu” ngày tết của người Nhật Bản
Cách làm
Cây nêu thường được đặt trước của nhà, Kado Matsu gồm một vài cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo có độ dài không bằng nhau: ống cao nhất tượng trưng cho nam, ống thấp nhất tượng trưng cho nữ và ống còn lại tượng trưng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người.
Ý nghĩa
Thông được xem là loài thực vật tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống mãnh liệt, còn tre là loài cây “vạn niên”, tượng trưng cho sự trường thọ.
Nếu cắm thêm cành hoa mơ – Ume, Kado Matsu sẽ được gọi là Shochikubai – Tùng Trúc Mai dành riêng cho những dịp mang tính chúc tụng.
Omamori – Bùa bảo hộ cho những người yêu thương
Omamori là tên gọi những chiếc bùa may mắn thường được thỉnh tại các ngôi đền trên khắp nước Nhật. Omamori tượng trưng cho các vị thần Shinto, có ý nghĩa mang lại sự bảo vệ, may mắn cho người giữ bùa.
Cách làm
Bùa hộ mệnh thường là một chiếc túi được làm bằng vải bên trong đựng những mảnh giấy hoặc miếng gỗ đã được viết những lời cầu nguyện để mang lại may mắn cho những người mang chúng trong những dịp đặc biệt, khi thực hiện một nhiệm vụ hay một thử thách nào đó.
Ý nghĩa
Omamori còn được dùng để xua đuổi vật xấu, người ta hay để chúng trong giỏ xách, làm móc treo điện thoại di động, hay treo trên ô tô,… để đảm bảo an toàn khi du hành.
Các Omamori thường được thiết kế đặc trưng riêng ở từng địa phương. Mỗi loại bùa hộ mệnh sẽ mang lại may mắn và sự bình an trong từng phương diện, vấn đề khác nhau như học hành, thi cử, tình cảm, sức khỏe… và cả điều đó được vẽ lên một mặt của chiếc bùa hộ mệnh để phân biệt. Mặt còn lại là tên của ngôi chùa hay đền bán chiếc bùa đó.
Shichi Fukujin – Thất Phúc Thần
Thất phúc thần của Nhật Bản là sự pha trộn giữa một vị thần của nước này (Ebisu) và các vị thần có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo của Ấn Độ (Benzaiten, Bishamonten, Daikokuten) và Đạo giáo và Phật giáo của Trung Quốc (Fukurokuju, Hotei, Jurojin). Trong tiếng Nhật họ được gọi là “Shichifukujin”, sự kết hợp của “thất”, “phúc”, “thần” (七 福神).
Trẻ em xứ Phù Tang lớn lên trong những câu chuyện về các nhân vật này và bạn có thể thấy hình ảnh của họ trên khắp Nhật bản, từ các đền thờ, cửa hàng, khu du lịch đến nhà dân.
Người ta thường mô tả Thất Phúc Thần đang đi trên một “bảo thuyền” (Takarabune, 宝船). Theo niềm tin truyền thống, Thất Phúc Thần sẽ đến các làng vào dịp Tết và phát quà cho những ai xứng đáng. Trẻ con thì được nhận lì xì có trang trí các chiếc thuyền Takarabune. Thuyền Takarabune và sứ giả của nó thường được trang trí ở nhiều nơi, từ các bức tường trong viện bảo tàng đến các tranh cuộn biếm họa.
Kumade – Tay gấu cào may mắn
Bạn có biết nhiều về cào tre đã được sử dụng như dụng cụ nông nghiệp ở Nhật Bản kể từ những ngày đầu không? Chúng được gọi là “Kumade” được ghép bởi 2 chữ kuma (gấu) và te (tay), đi với nhau sẽ đọc thành kumade – tay gấu.
Ý nghĩa
Người Nhật tin rằng Kumade mang ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng trong kinh doanh nên Kumade được người Nhật trang trí và trưng trong cửa hàng như một biểu tượng may mắn. Kumada được bán nhiều nhất ở các đền thờ ở Nhật trong dịp lễ hội Tori-no-ichi (lễ hội Gà) vào ngày Dậu của tháng 11.
Lễ hội lớn nhất được tổ chức tại đền Ohtori ở Asakusa, Tokyo, nơi mà hơn 200 gian hàng bày bán vô số các loại cào có hình dạng và kích cỡ khác nhau được làm bởi thợ thủ công kumade trên khắp Nhật Bản. Hàng chục ngàn khách du lịch đến thăm quan lễ hội hàng năm và nhiều người tìm mua nó để mong sự may mắn đến trong năm mới.
Maneki Neko – Chú mèo của nhân duyên và tài lộc
Mèo thần tài ở Nhật Bản được gọi là Maneki Neko có nghĩa là mèo vẫy tay. Con mèo với cái chân giơ lên như thễ nó đang vẫy tiền tài về cho gia chủ. Những biệt danh khác nữa đó là mèo may mắn, mèo tiền bạc và mèo mời khách.
Ý nghĩa
Thực sự thì có 1 ý nghĩa ẩn sau cái chân mà con mèo giơ lên. Mèo vẫy chân trái mang lại nhiều khách hàng. Mèo vẫy chân phải mang đến may mắn, tiền tài.
Cả 2 điều đó thực sự là rất tuyệt, đó là lý do tại sao bạn có thể dễ dàng nhìn thấy 1 chú mèo thần tài với cả hai chân đều vẫy. Mèo đưa cả 2 chân là tượng trưng cho sự bảo vệ.
Trong khi hầu như bạn sẽ nhìn thấy 1 con Maneki Neko trắng với những chấm cam hoặc đen. Thì có khá nhiều sự đa dạng màu sắc và chúng có những ý nghĩa đặc biệt:
– Trắng: hạnh phúc, thuần khiết, và những điều tốt lành sẽ đến.
– Tam thể: sự kết hợp màu sắc truyền thống,được xem là may mắn nhất.
– Vàng : giàu có và thịnh vượng
– Đen: tránh khõi ma quỷ.
– Đỏ: thành công trong tình yêu và các mối quan hệ.
– Xanh lá cây: sức khỏe tốt
Sensu – Thổi điều tốt lành đến muôn nơi
Cách làm
Bạn có biết chiếc quạt xếp thông dụng mà mọi người trên thế giới đều yêu thích chính là do người Nhật làm ra? Ra đời khoảng 1300 năm trước, khi đó chiếc quạt xếp Sensu được làm từ những mảnh gỗ của cây bách ghép lại với nhau, nên được gọi là “Hyougi”, tức cây bách. Về sau người Nhật sử dụng giấy Washi truyền thống và dán lên khung tre tạo thành Sensu như bây giờ.
Ý nghĩa
Với ý nghĩa “thổi” những điều tốt lành đến khắp nơi, Sensu trở thành Engimono mang ý nghĩa chúc tụng thường được dùng làm quà tặng trong các dịp như cưới hỏi, v.v. Sensu có rất nhiều loại và hoa văn, có loại còn tỏa ra mùi hương khi quạt.
Người Nhật còn sử dụng Sensu khi biểu diễn kịch Noh, Kabuki, dùng làm vật trang trí trong nhà và đặc biệt tạo nên phong thái cao sang, quý phái cho người cầm nó.
Búp bê Daruma
Búp bê Daruma thường không có mắt. Người mua sẽ vẽ một mắt cho búp bê và ước một điều ước. Khi điều ước trở thành sự thật, bạn hãy vẽ nốt con mắt còn lại.
Ý nghĩa
Búp bê Daruma có hình tròn, được làm bằng kỹ thuật bồi giấy truyền thống. Nét đặc trưng của búp bê Daruma là đôi mắt to tròn quắc lên, nhìn thẳng về phía trước thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên định. Thân tròn, đáy mặng tạo sức bật, luôn trở về vị trí đứng thẳng biểu trưng sức mạnh nội tại và ý chí mãnh liệt, không bao giờ chịu đầu hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Búp bê Daruma thường được lựa chọn nhiều với màu đỏ truyền thống. Người Nhật tặng nhau trong những dịp sinh nhật, lễ tết hay một người bắt đầu những dự định mới để cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ. Vào mùa thi cử, búp bê Daruma được các gia đình hay bạn bè tặng cho con em mình với lời chúc may mắn. Sau mỗi dịp ra trường, Daruma trở thành vật kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh.
Cờ cá chép
Cờ cá chép dành cho dịp 5/5 – ngày hội bé trai ở Nhật. Bắt đầu từ giữa tháng 4 đến những ngày đầu tháng 5 hàng năm, người dân thường treo những lá cờ hình chú cá chép trước nhà.
Koinobori thường được làm bằng giấy và vẽ màu với màu sắc sặc sỡ, vì vậy người ta thường treo Koinobori vào những ngày nắng có gió bởi trời mưa sẽ khiến màu vẽ bị loang ra. Koinobori dài từ vài cm đến vài mét.
Một bộ Koinobori bao gồm một thanh dài làm trụ, phía trên cùng là một cặp bánh xe mũi tên với một cánh quay tròn, tiếp đến là ruy băng và bên dưới ruy băng là các chú cá chép. Số lượng và ý nghĩa của các chú cá chép của Koinobori thay đổi theo thời gian.
Đây là một biểu tượng may mắn, gắn liền với điển tích “cá chép hóa rồng”, thể hiện mong ước con cái của họ sau này sẽ bay cao, xa và đạt nhiều thành công trong cuộc sống.
Hamaya – Mũi tên trừ tà
Bắt nguồn từ một tích cũ, Hamaya được xem là mũi tên có thể xua đuổi điều xấu và đem lại những điều tốt lành. Đây là một Engimono không thể thiếu vào dịp năm mới được bày bán tại các thần điện kèm với Omikuji – quẻ xăm cho cả năm và đôi khi còn gắn thêm cả Ema – mảnh gỗ ghi điều ước đến thần linh.
Ngoài ra, trong lễ tân gia, người Nhật còn đặt Hamaya và cung tên Hamayumi tại góc nhà theo hướng Đông Bắc hoặc Tây Nam – những hướng dễ bị ma quỷ quấy nhiễu – nhằm thanh tẩy ngôi nhà.
Inu Hariko – Chú chó bảo vệ bà mẹ và trẻ em
Đúng như tên gọi được ghép từ “Inu” – con chó và “Hariko” – giấy bồi, Inu Hariko là chú chó làm từ giấy bồi. Loài khuyển được người Nhật xem là loài vật có thể xua đuổi ma quỷ, đồng thời cũng là biểu tượng của sự mắn đẻ và sinh đẻ dễ dàng.
Do đó, Inu Hariko thường được sử dụng như một vật đem lại may mắn cho phụ nữ mang bầu và trẻ em.
Sưu tầm
Bài viết liên quan
-
1
Nhật Bản bắt đầu mở cửa với người nước ngoài
2 Tháng Ba, 2022
-
2
Trong 5 năm tới Nhật Bản mở cửa đón thêm 345.000 lao động nước ngoài
29 Tháng Năm, 2019
-
3
Năm 2019 ở Nhật Bản sẽ có 10 ngày nghỉ lễ liên tục?
28 Tháng Mười Hai, 2018
-
4
Thực tập sinh trở về, đừng lãng phí ! (09/10/2018)
9 Tháng Mười, 2018
-
5
Vì sao người già ở Nhật không được nhường ghế trên tàu điện ngầm? (11/09/2018)
11 Tháng Chín, 2018